img
Hội thảo VLXD không nung tại Đà Nẵng

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp, và 150.000 tấn than, thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính.

Vì thế, các giải pháp đầu tư, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) không nung thay thế gạch đất sét nung tại Hội thảo quốc tế do Bộ Xây dựng, Hội VLXD, Viện VLXD phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng ngày 11-5 được xem là một trong những bước đột phá mang tầm thế kỷ trong ngành Xây dựng.

Khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam khẳng định: trong những năm qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu trên lĩnh vực sản xuất xi-măng, gạch, VLXD, gốm, sứ... Song theo các chuyên gia, nếu cứ kéo dài việc sản xuất các loại VLXD theo kiểu trước đây, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ bị mất đất canh tác, tiêu tốn hàng triệu tấn than mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Để thực hiện chương trình, Chính phủ quy định, các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi-măng cốt liệu công suất từ 7 triệu viên/năm trở lên ngoài các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi và hỗ trợ khác theo quy định hiện hành còn được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm. Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% VLXD không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây...

Nội dung chủ yếu của Hội thảo nhằm công bố Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển VLXD không nung và các bài giới thiệu của các diễn giả trong nước và quốc tế... Nhiều tham luận được trao đổi tại Hội thảo là cơ hội tốt cho các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước về công nghệ, thiết bị mới sản xuất VLXD không nung như: bê-tông khí AAC, bê-tông bọt, các tấm thạch cao, vật liệu 3D, gạch không nung từ đất bằng polymer hóa và phế thải... Qua đó sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà đầu tư, tư vấn nghiên cứu thiết kế và các nhà sản xuất những thông tin mới nhất về công nghệ cũng như thiết bị mới sản xuất VLXD không nung hướng tới sự phát triển bền vững của ngành VLXD. 
Điển hình có công ty công nghệ môi trường Đại Việt đã nghiên cứu, phát triển và chuyển giao thành công dây chuyền sản xuất gạch bê tông bọt nhẹ rất đồng bộ và hiệu quả.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Việt Nam chưa “mặn mà” lắm với loại sản phẩm này. Các nước phát triển hiện nay đã sản xuất vật liệu không nung chiếm hơn 70% sản lượng sản xuất hằng năm. Còn lại gần 30% vật liệu nung được chuyển đổi sang sản xuất chủ yếu cho vật liệu trang trí cao cấp. Ở nước ta, VLXD nung đang chiếm tỷ lệ hơn 93% còn vật liệu không nung chỉ chiếm chưa đến 7% trong tổng sản lượng gạch ngói xây.

Như vậy VLXD không nung kém phát triển không những trong nước mà còn cách biệt quá xa so với các nước trong khu vực và thế giới. Có thể có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự kém phát triển của vật liệu không nung ở nước ta. Điều quan trọng là chúng ta chưa có biện pháp và cơ chế chính sách làm thay đổi nhận thức về hiệu quả sử dụng vật liệu không nung vào xây dựng ở Việt Nam.

Trách nhiệm này thuộc về quản lý Nhà nước chuyên ngành xây dựng và chuyên ngành công nghiệp VLXD. Đã đến lúc sự phát triển VLXD không nung cần đồng bộ tháo gỡ và tạo điều kiện về cơ chế và tổ chức quản lý để phù hợp với xu thế phát triển, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, làm phong phú sản phẩm VLXD - đó cũng là mục đích mà Hội thảo quốc tế “Các giải pháp đầu tư, sản xuất và sử dụng VLXD không nung thay thế đất sét nung” lần này đang hướng tới.