img
Đà Nẵng: Cưỡng bức giảm tốc nhường người đi bộ qua đường du lịch ven biển

Sở GTVT Đà Nẵng được UBND TP thống nhất thí điểm lối đi bộ qua đường nâng cao (nằm giữa ranh giới hai cổng ra vào Nhà khách T20 trên tuyến đường du lịch ven biển Võ Nguyên Giáp), để cưỡng bức phương tiện cơ giới giảm tốc độ, nhường quyền ưu tiên cho người đi bộ băng qua đường.

Những ngày gần đây, nhiều người dân và du khách đi trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc ven biển phía Đông TP Đà Nẵng khá ngạc nhiên, khi thấy mặt đường nằm giữa ranh giới hai cổng ra vào Nhà khách T20 (Quân khu 5) cao hơn bình thường. Nhiều xe đang chạy trên đường khá êm thuận, ngang qua khu vực bỗng thấy đường gồ ghề, giồng xóc, buộc phải giảm tốc độ.
Trên đường du lịch ven biển Võ Nguyên Giáp, nhiều người đi bộ không đi đúng các vị trí quy định mà tùy tiện băng ngang đường (Ảnh: HC)

Và dù có đi đúng vạch qua đường dành cho người đi bộ thì cũng hiếm khi được các phương tiện giao thông nhường đường.

Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, trên tuyến đường du lịch Võ Nguyên Giáp hàng ngày có rất nhiều người dân và du khách đi bộ băng qua đường để tắm biển, đi dạo mát hay tập thể dục, nhộn nhịp nhất là vào cuối buổi chiều. Đây cũng là giờ cao điểm nên các phương tiện cơ giới lưu thông rất đông.

Đáng nói là mặc dù dọc tuyến đường này đã có bố trí rất nhiều vạch sơn dành cho cho người đi bộ qua đường, nhưng thực tế lại có rất ít người đi bộ đi đúng các vị trí quy định mà thường tùy tiện băng ngang đường ở bất cứ vị trí nào. Trong khi đó, hầu như người điều khiển phương tiện lại không chủ động giảm tốc độ, nhường cho người đi bộ qua đường; một số lái xe còn thiếu chú ý quan sát nên người đi bộ qua đường hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Để khắc phục các bất cập nói trên, cùng với tích cực nghiên cứu, lựa chọn vị trí để đầu tư các công trình khác dành cho người đi bộ (cầu vượt, hầm chui), thời gian qua Sở GTVT Đà Nẵng cũng đã tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ khách du lịch, người dân bộ hành qua đường được thuận lợi.

Lối đi bộ nâng cao nằm giữa ranh giới hai cổng ra vào nhà khách T20 nhìn từ trên cao.

Tạo ram dốc gờ cưỡng bức giảm tốc độ đối với xe cơ giới.

Bề mặt lát bằng gạch bê tông cường độ cao, có mặt vân đá gồ ghề chịu lực.

Qua tham khảo cách thức xử lý ở các nước phát triển cũng như ở các đô thị lớn khác ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM và kết quả thí điểm đèn cho người đi bộ sang đường ở Đà Nẵng (đã thực hiện trên đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp năm 2016), Sở GTVT Đà Nẵng đã được UBND TP thống nhất thí điểm lối đi bộ qua đường nâng cao để giảm tốc phương tiện lưu thông.

Cụ thể, vị trí lựa chọn thí điểm triển khai lối đi bộ nâng cao nằm giữa ranh giới hai cổng ra vào nhà khách T20 (Quân khu 5) trên đường Võ Nguyên Giáp, có chiều dài khoảng 30m, là nơi có lượng khách du lịch ra vào tắm biển tập trung, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến việc qua lại của các phương tiện đi qua khu vực này.

Được biết, đoạn bố trí lối đi bộ qua đường có độ cao hơn mặt đường hiện trạng 8cm, được tạo ram dốc gờ cưỡng bức giảm tốc cho xe cơ giới với màu sơn đặc trưng tạo lối đi ưu tiên cho người đi bộ. Bề mặt được lát bằng gạch bê tông cường độ cao, có mặt vân đá gồ ghề vừa hạn chế được tốc độ xe chạy, vừa tạo khác biệt với mặt đường bê tông nhựa trên tuyến đường, tạo sự chú ý về thị giác cho lái xe và khách bộ hành khi qua đường dễ quan sát tại vị trí này.

Vạch đi bộ băng qua đường kết nối với lối đi bộ trên vỉa hè.

Đoạn rào chắn dài dọc vỉa hè phía biển để định hướng người đi bộ đi đúng vị trí cho phép.

Để định hướng người đi bộ đi đúng vị trí cho phép, tại vị trí có vạch đi bộ băng qua đường có lắp đặt một đoạn rào chắn dài dọc vỉa hè phía biển. Đồng thời bố trí hệ thống vạch sơn, biển báo, đèn tín hiệu cảnh báo cho phương tiện lưu thông trên tuyến Võ Nguyên Giáp về vị trí có bố trí thí điểm lối đi bộ qua đường.

Trước mắt, đèn tín hiệu sẽ vận hành ở chế độ nháy vàng để lưu ý phương tiện nhường đường cho khách bộ hành theo quy định. Sở GTVT cũng sẽ phối hợp với các đơn vị hữu quan theo dõi tình hình tham gia giao thông của người đi bộ và các phương tiện qua khu vực này, tùy vào mức độ tuân thủ Luật Giao thông đường bộ để nghiên cứu, bổ sung thêm các giải pháp khác cho phù hợp.

Ví dụ, có thể bổ sung việc dừng xe cưỡng bức bằng đèn dành cho người đi bộ (vận hành đèn tín hiệu giao thông xanh, vàng, đỏ); hay lắp đặt hệ thống camera có phần mềm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng quan trắc trực tuyến nhận dạng và đếm được số người đi bộ cũng như số lượng xe trên đường hai chiều qua vị trí này... nhằm điều chỉnh thời gian đèn ưu tiên cho dòng người đi bộ theo thuật toán tối ưu.

Người đi bộ cảm thấy an tâm hơn với hình thức cưỡng bức các phương tiện cơ giới giảm tốc độ... ...trên vị trí lối đi dành cho mình khi đi bộ băng qua đường.

Dự kiến, hệ thống camera này cũng phục vụ cho việc chế tài các vi phạm và được phát lên các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, không những ở vị trí này mà còn ở các vị trí khác trên tuyến đường. Từng bước tạo thói quen và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông. Đảm bảo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại, hướng tới hệ thống quản lý giao thông thông minh và đô thị thông minh.